Vụ siêu mẫu bị đánh đập, cô gái phải quỳ gối: "Hành vi hèn hạ, đáng lên án"
Dân trí : "Là một người cha, khi chứng kiến cảnh cháu bé ở Thanh Hóa bị đánh đập, cắt tóc, cắt áo lót khi quỳ xuống khóc lóc, xin lỗi, van xin… tôi vô cùng đau lòng", chuyên gia giáo dục, TS Vũ Việt Anh nói.
Dư luận đang phẫn nộ trước clip cô gái trẻ quỳ khóc, bị đánh, làm nhục tại shop thời trang ở Thanh Hóa. Hay vụ việc siêu mẫu Khả Trang nghi bị chồng chưa cưới bạo hành dã man. Trước đó, diễn viên Hoàng Yến bị chồng cũ đấm gãy mũi... Là người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, Tiến sĩ Vũ Việt Anh có thể chia sẻ điều gì trước những vụ việc này?
Là một người cha, khi chứng kiến cảnh cháu bé ở Thanh Hóa bị đánh đập, cắt tóc, cắt áo lót khi đã quỳ xuống khóc lóc, xin lỗi, van xin.. tôi vô cùng đau lòng. Đó là một hành động vô nhân tính, thiếu hiểu biết, có thể hủy hoại cả một tương lai của đứa trẻ.
Cháu bé mới có 15 tuổi, tuổi còn bồng bột, dễ mắc sai lầm. Cháu rất cần sự vị tha và tình yêu thương.
Còn về phía các nghệ sĩ, họ rất cần sự danh tiếng, họ sợ bị dèm pha điều tiếng sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh, sự nghiệp của họ. Vì thế, một số trường hợp đã chọn cách né tránh, che giấu. Nhưng họ cũng cần xác định rằng, khi họ đứng lên tố cáo bạo lực, chống lại bạo hành, họ sẽ làm tấm gương cho rất nhiều người…
Tôi cho rằng, trong bất cứ nền văn hóa của quốc gia nào thì việc bạo hành phụ nữ và trẻ em gái đều là hành vi bỉ ổi, hèn hạ và đáng lên án. Những vụ việc trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Một xã hội văn mình cần phải biết đau, biết nhục khi những hành vi đó vẫn còn tồn tại xung quanh chúng ta.
Như Tiến sĩ Vũ Việt Anh nói, những sự việc trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, thực tế nạn bạo hành phụ nữ, trẻ em vẫn tồn tại, là thực trạng đáng báo động?
Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ ba phụ nữ thì có gần hai phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời, trong 12 tháng gần đây 32% phụ nữ bị bạo khi được phỏng vấn.
Theo thống kê của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA): Ở Việt Nam, phụ nữ bị chồng bạo lực nhiều hơn so với việc bị người khác bạo lực. Cứ 10 phụ nữ thì có một người (11,4%) trải qua bạo lực thể xác từ khi 15 tuổi do người khác gây ra. Khi phụ nữ bị bạo lực thể xác do người khác không phải là chồng gây ra, người gây bạo lực chủ yếu là thành viên nam trong gia đình (60,6%).
Cứ 10 phụ nữ thì có một phụ nữ (9%) bị bạo lực tình dục do người khác gây ra từ năm 15 tuổi. Phần lớn kẻ gây ra bạo lực là nam giới không phải thành viên trong gia đình (ví dụ: nam giới là người không quen biết, bạn bè hoặc người quen; người mới quen gần đây; hoặc người làm cùng cơ quan).
Bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị che giấu. Một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.
Trẻ em cũng là nạn nhân khi sống trong môi trường bạo lực. Trong số phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác, 61,4% cho biết con cái họ đã từng chứng kiến hoặc nghe thấy bạo lực. Phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục nói rằng con cái họ (5-12 tuổi) thường có các vấn đề về hành vi.
Bạo lực đối với phụ nữ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho phát triển kinh tế và sức khỏe thể chất, tinh thần phụ nữ. Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gây ra cho nền kinh tế Việt Nam tương đương với 1,8% GDP.
Theo ông, nguyên nhân nào để xảy ra thực trạng đau lòng trên?
Tôi nghĩ rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bạo hành phụ nữ về trẻ em gái, trong đó phải kể đến nguyên nhân từ nhận thức, nguyên nhân chính dẫn đến hành vi bạo lực gia đình. Bắt nguồn từ sự bất bình đẳng giới, với tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" và một số tư tưởng lạc hậu đã dẫn đến việc phụ nữ và trẻ em gái dễ trở thành nạn nhân của bạo hành.
Một trong các yếu tố dẫn đến bạo lực gia đình đó là do thiếu hiểu biết pháp luật, do không nhận thức được bạo lực gia đình là vi phạm quyền con người, vi phạm pháp luật.
Trong đại dịch vừa qua, yếu tố khó khăn về kinh tế cũng là một trong những yếu tố có nguy cơ dẫn đến bạo lực gia đình.
Các tệ nạn xã hội cũng là nguyên nhân dẫn đến bạo lực cho phụ nữ và trẻ em gái như: Nghiện hút, lạm dụng chất kích thích, mại dâm, ma túy, rượu chè, cờ bạc…
Đó còn bởi sự thờ ơ của cộng đồng coi bạo lực gia đình là việc riêng của mỗi người, công tác tuyên truyền còn hạn chế là nguyên nhân để bạo lực gia đình còn chỗ dung thân. Người xưa coi những hành vi đánh phụ nữ, bắt nạt kẻ yếu hơn là hành động của kẻ tiểu nhân. Người xưa cũng khuyên: Không nên đánh phụ nữ dù chỉ bằng 1 cành hoa.
Một nguyên nhân nữa không thể không kể đến đó chính là cách giáo dục từ gia đình. Những đứa trẻ được nuôi dậy trong gia đình bạo lực sẽ có nguy cơ đánh đập bạn, vợ, con của mình cao gấp 4 lần so với những người không bị cha mẹ đánh đập.
Theo một nghiên cứu của Học viện Thành Công: cứ 4 người xuất thân trong một gia đình bạo lực thì có 1 người hung hăng làm con mình bị chấn thương trầm trọng: Gần như 100% trẻ em bị trừng phạt về thể xác đều tấn công anh chị em mình, 20% đánh đập tàn nhẫn anh chị em mình.
Vậy theo ông, với những trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, họ phải làm sao để bảo vệ bản thân, tránh bị rơi vào cảnh bị bạo hành?
Trong quá trình tư vấn, chúng tôi có một số nhóm giải pháp đã được minh chứng là hiệu quả: Đó là Nhận thức sớm về bạo hành: Cần nhận thức sớm về các hành vi bạo hành để sự việc không trở nên trầm trọng hơn. Thường thì các hành vi bạo lực sẽ bắt đầu bằng bạo hành tinh thần.
Bạo hành về lời nói: Chửi mắng, chửi bới, mắng nhiếc, im lặng không nói chuyện trong thời gian dài, xỉ nhục, làm tổn thương tinh thần…
Tiếp đến có thể là các hành vi bạo hành về mặt xã hội, bạo hành về tài chính: Ngăn không cho tiếp xúc với gia đình, bạn bè, bao vây kinh tế nhằm hạn chế các hoạt động mang tính cộng đồng…
Hành vi bạo hành về tình dục, thể xác: như đánh đập, bắt quan hệ tình dục không mong muốn…
Hãy lên tiếng: Khi phát hiện ra những hành vi bạo lực sớm cần ngay lập tức lên tiếng. Công thức: No - Go - Tell cũng được khuyên dùng. Đó là hãy nói KHÔNG, rời bỏ khỏi khu vực đó ngay lập tức và Hãy lên tiếng với những người xung quanh, với các cơ quan đoàn thể, tổ chức bảo vệ pháp luật.
Người phụ nữ càng chịu đựng, càng là mảnh đất dung dưỡng cho bạo lực nảy sinh.
Khi lên tiếng, được sự can ngăn sẽ làm sự việc giảm trầm trọng hơn.
Giao tiếp khôn khéo: Ngôn từ bất lực, bạo lực lên ngôi. Vì vậy cần tăng cường giao tiếp trong gia đình, chia sẻ để thông cảm và thấu hiểu nhau hơn. Không đổi ngôi xưng khi cãi nhau.
Về cơ bản, nguyên tắc này nhằm đảm bảo vợ chồng dù có bất đồng quan điểm, có cãi nhau lớn đi chăng nữa càng cần cố gắng dùng ngôi xưng "vợ/ chồng" hoặc "anh/ em". Tránh tuyệt đối việc đổi ngôi thành "tao/ mày", "con này/ thằng kia"… sẽ khiến sự việc trở nên căng thẳng và đôi khi là khó cứu vãn.
Chủ động về việc làm, tài chính, không lệ thuộc: Khi bị phụ thuộc về kinh tế, người phụ nữ càng trở nên yếu thế và bị coi thường hơn. Vì vậy, việc tự chủ kinh tế, ổn định thu nhập, khẳng định vị thế cũng làm cho nguy cơ bạo lực gia đình được ngăn chặn. Gần đây, có rất nhiều chương trình hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế, khởi nghiệp. Các chị em cần mạnh dạn trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức mới để có thể làm chủ tương lai, làm chủ cuộc đời của chính mình.
Xin cảm ơn Tiến sĩ Vũ Việt Anh!
Nguyễn Hằng