24H.COM.VN: Những kỹ năng cực kỳ quan trọng cha mẹ cần dạy cho trẻ từ 6 đến 9 tuổi
Nếu được chú trọng trang bị những kỹ năng cần thiết ngay từ bậc học mầm non, trẻ sẽ thành công hơn trong tương lai.
Theo chuyên gia giáo dục, TS. Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành Công, khi vào tiểu học tức là trẻ chuyển từ giai đoạn có người phục vụ sang giai đoạn tự phục vụ. Vì vậy, cha mẹ phải dạy cho con các kỹ năng để trẻ độc lập.
Chẳng hạn: Kỹ năng sinh tồn, kỹ năng xử lý thảm họa rồi các kỹ năng tự phục vụ như chuẩn bị cho mình một túi là đồ thức ăn, đồ bảo hộ, nếu chẳng may là thảm họa cần sống lâu ngày. Ở Đức thường dạy cho trẻ kỹ năng quản lý tài chính, chống chọi với mọi lại cám dỗ mua đồ trên đường đi...
Cũng theo TS. Vũ Việt Anh, ở lứa tuổi tiểu học, cha mẹ nên bắt đầu quan tâm đến giáo dục giới tính cho các con. Ngoài thuộc tên bộ phận trong cơ thể thì trẻ phải phân biệt về giới để biết được các chức năng của các bộ phận.
Ngoài ra, cha mẹ cần dạy cho trẻ tình dục an toàn và tình dục không an toàn vì ngày nay trẻ dậy thì sớm, có trẻ từ 6-10 tuổi đã dậy thì, hoặc có trẻ 12 tuổi đã mang thai.
Ts Vũ Việt Anh - Chuyên gia giáo dục, Tổng Giám đốc Học viện Thành Công
Cha mẹ dạy cho trẻ về kỹ năng sinh tồn, cái đúng, cái sai, cái phải cái trái để không may rơi vào lạc đường, thảm họa, lũ lụt để trẻ giữ được sinh mạng của mình.
Ngoài ra, cha mẹ cần dạy cho trẻ kỹ năng học và tự học. Bởi trên thực tế, trẻ đang thiếu kỹ năng học và tự học, tự phục vụ. Nhiều bố mẹ đã tự biến con mình là những con gà công nghiệp, chỉ biết học, biết ăn chứ không biết ứng xử, thậm chí ở bậc tiểu học, có trẻ gặp người lớn còn không biết chào.
Nói về những hậu quả khi không trang bị kỹ năng cho trẻ, chuyên gia giáo dục Vũ Việt Anh cho rằng, điều đó khá nguy hiểm. “Dân gian có câu "bé mà không ươm thì lớn sẽ gãy cành", tạo ra xung đột trong gia đình và xã hội. Những bạn trẻ không được dạy về kỹ năng sống thì trở thành người lập dị, thành con gà công nghiệp. Do đó, trẻ muốn thành công và trưởng thành trong tương lai thì phải được trang bị đầy đủ kỹ năng, thái độ, kiến thức. Trên thực tế, có rất nhiều cử nhân, thạc sĩ ra trường làm việc không tốt vì họ thiếu kỹ năng trong cuộc sống”, TS. Vũ Việt Anh nói.